"Gọt tỉa" CV cũ thành bản giới thiệu sáng giá
test
Bạn muốn bước sang một giai đoạn mới của sự nghiệp với những cơ hội mới? Trước khi lao vào ứng tuyển những vị trí hấp dẫn, hãy ngồi xuống và ''tái sinh'' bản CV đã mấy năm chưa cập nhật của bạn.
Ứng viên mới ra trường thì khó khăn trong việc tìm ra thông tin đưa vào CV. Còn người làm việc lâu năm lại vất vả để gạt bỏ thông tin không cần thiết. Dù cho bạn kinh nghiệm thượng thừa trong nghề nghiệp của mình đến đâu, hãy chấp nhận rằng mình đang nâng cấp một tài liệu tiếp thị về bản thân, và không dễ để ngồi xuống và viết xong CV trong một giờ.
Hãy làm nhà tuyển dụng mừng vì đọc được CV của bạn
Về cơ bản, nhiệm vụ của bạn là làm cho nhà tuyển dụng đọc CV và nảy ra ý nghĩ: “Người này có thể làm được những việc tôi cần”. Không chỉ vậy, đó nên là một bản CV đủ xuất sắc để những người quen biết cũng yên tâm gửi đến những nhà tuyển dụng quen biết. Trong một thị trường khó khăn, đó nên là một bản giới thiệu khiến bạn được người khác ghi nhớ và giới thiệu.
Tối ưu cho từng vị trí ứng tuyển
Nguyên tắc cũ nhưng kinh điển: Đừng gửi cùng một CV cho mọi công việc. Tất nhiên, bạn cần một bản CV mang tính nền tảng và chuẩn mực. Nhưng sau đó, đối với mỗi vị trí hứa hẹn, bạn cần điều chỉnh nó cho phù hợp. Đọc kỹ mô tả công việc, vị trí để đọc vị từ khóa, nắm được những yếu tố quan trọng nhất về trách nhiệm của công việc đó.
Hãy tìm ra phiên bản xuất sắc nhất của bạn
Những người có kinh nghiệm lâu năm, ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ khó khăn hơn khi chắt lọc thông tin cho câu mở đầu CV. Chỉ trong 1 - 2 dòng, bạn phải thuyết trình một cách súc tích, ngắn gọn và ấn tượng: tôi là ai, tại sao tôi đủ điều kiện và phù hợp cho vị trí đó. Không quan trọng là vị trí chính xác mà bạn đã đảm nhận trước đây hay không, thông tin này phải phù hợp với điều mà nhà tuyển dụng hiện tại tìm kiếm.
Ví dụ: Giám đốc điều hành công nghệ với hơn 25 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ OTT vượt trội.
Đừng ôm đồm
Nếu bạn đang chuyển đổi ngành, đừng đưa ra kinh nghiệm làm việc tuy đồ sộ mà không phù hợp với vị trí mới. Nên đặt thành tích ấn tượng nhất, liên quan đến vị trí ứng tuyển ngay sau phần tóm tắt về bản thân. Đó nên là một thông tin đủ hấp dẫn để nhà tuyển dụng dựng thẳng lưng ghế và nghĩ: “Tôi muốn nói chuyện với người này vì những gì mà họ đã làm được”.
Đừng liệt kê lịch sử nghề nghiệp hết vài ba trang giấy. Bạn có thể gộp những vị trí có công việc tương tự nhau chung một mục, và nêu những nhiệm vụ quan trọng nhất mà bạn thực hiện. Nhưng đừng quên nêu vị trí tại công ty mà Người tham khảo đã làm cùng bạn.
Cân nhắc những thông tin đưa vào CV
Cắt mạnh tay
Việc cần làm với mỗi bản CV cho từng vị trí không phải là khoe bề dày kinh nghiệm trong vô số công việc đã kinh qua. Mà bạn phải vẽ ra bức tranh rõ ràng nhất về bản thân, với mức độ phù hợp cao nhất cho mỗi vị trí đang ứng tuyển. Cũng giống như một nghệ nhân bonsai, bạn phải cắt tỉa những cành lá sum suê để làm rõ dáng, thế của cây cảnh.
Tức là phải lọc đúng thông tin phù hợp với từng vị trí đang ứng tuyển. Có những vị trí mà người tuyển dụng sẽ đánh giá cao một công việc tình nguyện bạn từng làm, nhưng với vị trí khác thì công việc bán thời gian cách đây 5 năm lại gây ấn tượng. Hãy tìm ra “thế” phù hợp cho mỗi “cây bonsai” CV của bạn.
Nói về thành tích thay vì trách nhiệm
Nói rằng “Tôi đã quản lý một đội 10 người” không có ý nghĩa gì so với “Tôi đã dẫn dắt nhóm xây dựng ứng dụng 1 triệu lượt tải”. Và hãy thổi vào CV những thông tin giúp “cá nhân hóa” bản thân bạn. Một bản CV toàn những gạch đầu dòng về thời gian và vị trí dễ bị lướt qua. Nhưng nếu ghi: “Thành viên cốt cán trong đội hỗ trợ đồng nghiệp WFH trong đại dịch”, thì nhà tuyển dụng sẽ phải dừng khoảng chừng là 2 giây để suy nghĩ về bạn.
Giúp CV dễ đọc
Đừng chọn phông chữ, cỡ chữ, bố cục một cách hời hợt. Hãy giúp những người cận thị, có tuổi và bận rộn nhất có thể có được các thông tin đáng giá ngay khi vừa lướt qua CV. Hãy làm sao để bản CV có những khoảng trống, đoạn ngắt nghỉ, thay vì dầy đặc toàn chữ.
Hãy tìm những từ lặp và cắt bớt. Hãy đánh dấu đầu dòng, và không để đoạn nào quá 3 câu liên tiếp. Và tốt nhất là CV đừng quá 2 trang. Một bản CV cô đọng và ấn tượng, là một bản CV chất lượng.
Ảnh: Pexels