ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG, HỌC MỘT SÀNG KHÔN VỚI CHUYẾN THAM QUAN KIẾN TẬP 4N3Đ CỦA GIẢNG VIÊN VÀ SINH VIÊN KHOA CÔNG NGHỆ TẠI BẢO LỘC - ĐÀ LẠT, LÂM ĐỒNG
Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên lớp 21DTP1, ngành Công nghệ Thực phẩm tiếp cận thực tế tại các doanh nghiệp, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và theo đuổi định hướng xây dựng môi trường "học tập trải nghiệm" của Khoa Công nghệ. Đồng thời, quảng bá hoạt động, hình ảnh giữa Nhà trường, Doanh nghiệp và Sinh viên, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Vừa qua, từ ngày 15.7 – 18.7, Khoa Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và cựu người học tổ chức chuyến tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp cho sinh viên và giảng viên khoa Công nghệ tại Bảo Lộc – Đà Lạt, Lâm Đồng. Tham gia dẫn đoàn gồm có:
- ThS. Nguyễn Đình Thuật – Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và cựu người học;
- ThS. Hồ Thị Ngọc Nhung – PTBM Thực phẩm;
- ThS. Đồng Thị Thu Huyền – PTBM Môi trường và phát triển bền vững;
- ThS. Nguyễn Thành Luân – PTBM Hóa
Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến tham quan, thực tập, học tập kinh nghiệm cho sinh viên, giảng viên Khoa Công nghệ. Công ty được thành lập từ năm 2005, chuyên trồng, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cacao. Nơi đây sở hữu mô hình sản xuất hiện đại, quy trình chế biến khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm của công ty được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng bởi chất lượng cao và hương vị thơm ngon. Tại đây, các bạn được tìm hiểu quy trình trồng và chăm sóc cây, tham quan nhà máy sản xuất, tìm hiểu quy trình chế biến ca cao thành các sản phẩm như sô cô la, bột ca cao, rượu ca cao,... và thưởng thức các sản phẩm ca cao thơm ngon do công ty sản xuất. Với tâm huyết sản xuất ra sản phẩm “sạch” cho người tiêu dùng và môi trường sống, Công ty đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất, các phụ phẩm trong chế biến ca cao đều được tận dụng và chuyển thành biochar để bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung. Đây cũng chính là định hướng đào tạo liên ngành “thực phẩm – môi trường”, “thực phẩm – hóa”,… cho các bạn sinh viên của Khoa Công nghệ trong tương lai.
Kết thúc tham quan Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, đoàn tham quan, thực tập, học tập kinh nghiệm tiếp tục di chuyển đến điểm dừng chân tiếp theo: Công ty TNHH Trà Phước Lạc. Công ty TNHH Trà Phước Lạc được thành lập từ năm 2004, chuyên trồng và chế biến các loại trà Oolong, trà xanh, trà đen,... Nơi đây sở hữu vùng nguyên liệu trà rộng lớn, chất lượng cao cùng quy trình chế biến hiện đại, đảm bảo giữ nguyên hương vị thơm ngon của trà. Các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới và được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng hảo hạng. Tại Công ty, các bạn được giới thiệu về quy trình trồng và chăm sóc cây trà, tham quan nhà máy sản xuất, tìm hiểu quy trình chế biến trà từ búp trà tươi thành phẩm trà khô. Đặc biệt, các bạn còn được học cách pha trà đạo và thưởng thức các ly trà sữa thơm ngon do chị Lê Thị Hồng Như – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà Phước Lạc pha chế. Chị Như cũng cho biết chị rất sẵn lòng tham gia các buổi workshop, hội thảo về thực phẩm,… của Khoa Công nghệ để lan tỏa tình yêu thực phẩm và nâng cao kiến thức cho các bạn trẻ trong tương lai.
Chia tay Công ty TNHH Trà Phước Lạc, các bạn đến với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Là một viện nghiên cứu khoa học và công nghệ trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tọa lạc tại số 1 đường Nguyên Tử Lực, phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Viện được thành lập vào năm 1962, là cơ sở nghiên cứu khoa học hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Các bạn đã được anh Lê Văn Ngọc giới thiệu về các ứng dụng của chiếu xạ trong thực phẩm, như: khử trùng thực phẩm, tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng; kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm; cải thiện chất lượng thực phẩm. Đây chính là những kiến thức thực tế với xu hướng trong ngành thực phẩm hiện nay. Không những thế, các bạn còn được các anh chị tại Viện nghiên cứu hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ từng loại máy móc thiết bị và ứng dụng của từng loạt tia X, tia gamma,… Từ đó, mang lại cho sinh viên nhiều kiến thức bổ ích về năng lượng nguyên tử và ứng dụng của chiếu xạ trong thực phẩm. Đây là cơ hội quý báu để sinh viên mở rộng hiểu biết về khoa học kỹ thuật và ứng dụng của nó vào thực tiễn.
Hành trình tiếp theo của chuyến tham quan là Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt, điểm đến thu hút trong chuyến tham quan, thực tập, học tập kinh nghiệm của sinh viên Khoa Công nghệ khi các bạn vừa được tham quan vừa được chụp hình check in tại trang trại Dalatmilk thơ mộng. Đến với Dalatmilk, các bạn sinh viên học được quy trình sản xuất sữa đạt chuẩn, tham quan nhà máy sản xuất với hệ thống trang thiết bị hiện đại, quy trình sản xuất khép kín từ khâu thanh trùng, tiệt trùng đến đóng gói thành phẩm. Ngoài ra, sinh viên được giới thiệu về các dòng sản phẩm sữa đa dạng của Dalatmilk, phù hợp với mọi lứa tuổi; tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng, lợi ích của sữa đối với sức khỏe con người. Không những thế, sinh viên còn được gặp gỡ, giao lưu với ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Dalatmilk, học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành doanh nghiệp hiệu quả; tìm hiểu về chiến lược phát triển thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp của Dalatmilk và tham quan khu vực bán hàng, tìm hiểu về hoạt động marketing, phân phối sản phẩm của công ty.
Công ty TNHH Thực phẩm sạch Dalat G.A.P là điểm đến cuối cùng trong chuyến tham quan, thực tập, học tập kinh nghiệm của sinh viên Khoa Công nghệ. Tại đây, sinh viên đã có cơ hội tìm hiểu về quy trình sản xuất thực phẩm sạch theo tiêu chuẩn Global Good Agricultural Practice (GAP), đồng thời học hỏi được nhiều bài học quý giá về quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến chế biến; Tìm hiểu về các phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Cũng tại Công ty, các bạn còn có cơ hội học tập về các phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Trong suốt chuyến tham qua, các bạn sinh viên thể hiện sự tích cực, chủ động trong học tập, nghiên cứu, ghi chép bài đầy đủ, đặt câu hỏi thảo luận sôi nổi với đại diện doanh nghiệp với thái độ học tập đúng đắn và nghiêm túc. Có thể nói những chuyến đi thế này là cơ hội quý báu để sinh viên rèn luyện kỹ năng, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị cho con đường tương lai. Đồng thời, giảng viên có cơ hội trao đổi với chuyên gia, kỹ sư, nhà quản lý tại doanh nghiệp, cập nhật kiến thức thực tế, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn. Và cũng là cơ hội để nhà trường quảng bá hình ảnh, hoạt động đến doanh nghiệp và cộng đồng, tăng cường mối quan hệ hợp tác, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đây không chỉ đơn thuần là “kiến tập” mà còn là những trải nghiệm thú vị trong cuộc đời mỗi sinh viên, các bạn đã có những giây phút thư giãn với những món ăn đặc sản Đà Lạt như lẩu gà lá é, lẩu rau, nem nướng,... Các bạn sinh viên còn có dịp giao lưu, gắn kết với nhau và lưu giữ những kỷ niệm đẹp của thời sinh viên.
Khoa Công nghệ xin gửi lời cảm ơn đến:
- Ban lãnh đạo các doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham quan, học tập.
- Các thầy cô giảng viên đã nhiệt tình hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên trong suốt chuyến đi.
- Các bạn sinh viên đã tích cực tham gia và hoàn thành tốt các hoạt động trong chương trình.
Một số hình ảnh từ chuyến đi: